Wednesday, April 22, 2015

Ba Bà Mẹ Chồng



Ca khúc : Ba Bà Mẹ Chồng.
Sáng tác : Phạm Duy Nhượng
Trình Bày : Ban nhạc AVT
_________________________
- Ngâm:

Tôi nghĩ đến chuyện đời dang-dở kể tự thời ông Bành Tổ về sau,
Con người ta ăn ở với nhau khác nào như thể nàng dâu với mẹ chồng.
Nàng dâu hay kể xấu mẹ chồng, như Nga với Mỹ rõ một lòng thương nhau.

- Nói:

Còn mẹ chồng thì sao?

- Ngâm:

Còn mẹ-chồng lại tố-khổ nàng dâu, như hai cô ca-sĩ có khen nhau bao giờ.

- Hát:

Ba bà đi bán lợn-xề (ba bà đi bán lợn-xề),
Ấy thế mới gặp ngày hôm nay là ngày thứ-sáu,
Ba bà lóc-cóc (ba bà lóc-cóc), ba bà trở về lon-ton (trở về lon-ton).
Đi bán lợn con, chứ ba bà này bây giờ thời đi bán (bán) lợn con.
Hôm nay là cái hôm cấm thịt, bà ơi...i!
Cũng lon-ton, ấy lon-ton chạy (chạy) về.
Đi đường xa có bạn-bè (đi đường xa có bạn-bè),
Ấy thế mới chuyện-trò loanh-quanh,
Ba bà nói xấu, ba bà bới móc, ba bà bốn-mối năm bè kể tội con dâu (kể tội con dâu).
Than-vãn một câu, chứ bà đi đầu thời rỉ-rền than-vãn một câu:
"Ôi thôi, là ôi thôi! nói chuyện, bà ơi...i!, đến nàng dâu (đến nàng dâu) mà (mà) buồn."

- Nói:

Bà người trung hỏi: "nàng dâu bà reng? nói nghe coi!"

Bà người nam trả-lời: "thì để thủng-thẳng ta nói chứ làm gì mà gấp vậy!"

- Hát:

Nàng dâu nhà tôi (ối a) cầm tinh con hợi (ối a), vừa ngu lại vừa dại (ối a), vừa béo lại vừa đen,
Mắt trắng, môi thâm, lưng bằng cái tủ,
Người hôi như cú, đầu tóc bù-xù, đầu tóc thơm-tho như cái ổ chuột-chù,
Làm chậm như rùa, ăn như ăn cướp,
Nói sau quen trước, ruột để ngoài da,
Suốt ngày tơ-tưởng đến cái cô hàng-quà.
Ới dâu ơi là râu!
Ới dâu ơi là rầu!

- Nói:

Bà người nam hỏi: "còn con dâu bà làm sao, bà nói thử nghe coi?"

Bà người trung trả-lời: "dâu tôi nó giống bà, hai đứa cũng rứa giống nhau, dâu tôi ri!"

- Hát:

Cô nàng dâu quí nhà bà (ối da), cô nàng dâu quí nhà bà,
Ấy thế mới gặp nàng dâu tôi, cá-mè một lứa, dâu bà dâu tôi, cá-mè cá-riếc cũng là một bè như nhau (một bè như nhau).
Nói xấu nàng-dâu (ôi da) chứ không khi nào bây giờ thời tôi nói xấu nàng-dâu.
Thân tôi là cái thân bá-vạ, bà ơi...i!
Rước con dâu (rước con dâu) về mà thờ.
Trong nhà tôi có mẹ già (ối da), trong nhà tôi có mẹ già,
Ấy thế mới gặp bà con dâu đêm nằm nó ngáy, đêm nào đêm nấy, nó nằm nó ngáy như là gọi đò sang sông (gọi đò sang sông).
Nó quét chửa xong (ôi da), hễ bảo quét nhà thời bẩy ngày nó quét chửa xong,
Hễ ăn là nó ăn tem-tép, bà ơi...i, hết nồi trong (hết nồi trong) nồi (nồi) ngoài.

- Nói:

Bà người trung hỏi: "còn con dâu bà ni reng? noi nghe coi!"

Bà người bắc trả-lời: "Hừ...con dâu của tôi thì khác hẳn con dâu của các bà. Đây này!"

- Hát:

Nàng dâu nhà tôi (ối a) cầm tinh con Ngọ (ối a), vừa ngon lại vừa bổ (ối a), vừa khéo lại vừa khôn,
Mặc giuýp eo thon hay quần khít hẹp,
Cỡi mô-bi-lét chạy khắp Sè-gòn, nhảy-nhót phom-phom như cái kiểu ngựa lồng.
Nhiều cậu si-tình cay như cay ớt, kéo nhau xúm-xít chầu-chực tòn-ten,
Suốt ngày ngơ-ngẩn đứng cái bên cột đèn.
Ới dâu ơi là râu!
Ới dâu ơi là rầu!

- Nói:

Bà người-trung nói: "bà đây có phước đó bà!"

- Hát:

Ba bà đi bán lợn-xề (ba bà đi bán lợn-xề).
Ấy thế mới gặp ngày hôm nay ông-trời đi vắng,
Có bà thương-xót, có bà yêu-quí, có bà xử về con dâu (xử về con dâu).
Đình-chiến nàng dâu, có mấy khi nào mẹ chồng thời đình-chiến với nàng dâu.
Ôi thôi là thế-gian hết loạn, bà ơi...i, sắp mau-mau (sắp mau-mau) hoà (hoà) bình.

MẸ CHỒNG ĐÌNH CHIẾN NÀNG (NÀNG) DÂU!
___________________________________


***** Một chút tài liệu về Ban Nhạc AVT *****
- AVT là tên của một ban tam ca trào phúng đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với tính chất châm biếm và hài hước, nhiều khi xen lẫn với một sự mỉa mai của nó.
- AVT đã trở thành một tên tuổi thật gần gũi với mọi người bằng những nhạc phẩm lột tả được hết mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày trong nhiều hoàn cảnh khác biệt của xã hội. Những lời ca dí dỏm trong những nhạc phẩm do AVT trình bầy đã mang lại niềm vui cho mọi người từ suốt gần 50 năm qua đã đóng góp nhiều vào kho tàng văn hóa dân gian cũng như đã trở thành một lọai văn chương truyền khẩu rất phổ thông.
- Nhắc đến AVT, chắc chắn phải nhắc đến người được coi là linh hồn của ban tam ca này là nhạc sỹ lão thành Lữ Liên mặc dù ông không phải là người thành lập ra ban tam ca này. Ban nhạc này ra đời khoảng giữa thập niên 1960 với 3 chàng trai: Anh Hải, Vân Sơn và Tuấn Đăng (AVT lấy từ những mẫu tự đầu tiên trong tên của mỗi người). Anh Hải sau đó được thay bởi kịch sỹ Hoàng Hải, rồi Lữ Liên thay Hoàng Hải.
- Sau khi nhận lời trở thành một thành viên của AVT, lúc đó măc dù trong ban không còn ai mang tên có chữ A ở đầu, nhưng cái tên AVT đa ăn sâu vào tâm hồn quần chúng nên truởng ban là Lữ Liên vẫn giữ nguyên tên gọi đó. Tuy nhiên, ông đã đưa ra một vài đề nghị với đôi chút thay đổi. Thứ nhất, với vai trò trưởng ban ông đổi danh xưng chính thức cho AVT là Ban Tam Ca Trào Phúng AVT, thay vì Ban Kích Động Nhạc AVT được gọi trước đó.
- Ngoài ra, có thêm một sự thay đổi quan trọng khác là lọai bỏ 3 nhạc khí Tây Phương để chỉ sử dụng những nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Từ đó Vân Sơn chơi Tỳ Bà, Tuấn Đăng chơi đàn đoản và Lữ Liên sử dụng đàn nhị tức đàn cò.
- Nhạc hài của AVT (hầu hết do Lữ Liên và Duy Nhượng sáng tác) phát triển trên nền âm nhạc dân tộc (đặc biệt là chèo, dân ca Bắc Bộ và Trung Bộ) nên nghe rất gần gũi mà cũng rất hóm. Ra sân khấu, AVT diện khăn đóng, áo gấm thụng ba màu khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc: đàn sến (Tuấn Đăng), đàn cò (Lữ Liên) và trống (Vân Sơn). Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc. Dù là bài hát hài nhưng nội dung xuyên suốt, ca từ không tục nhưng hết sức ý nhị, thâm thúy.


1 comment:

  1. Hiểu được những nỗi băn khoăn của bạn, Bruno ra đời để giúp bạn xóa toan nỗi lo âu và mang đến cho bạn những sản phẩm áo khoác đẹp cho nam chất lượng nhất từ trước tới giờ bạn từng thấy. Bạn là cá nhân hay doanh nghiệp cửa hàng muốn sở hữu sản phẩm của chún tôi thì chúng tôi luôn có những giá ưu đãi nhất. shop Áo khoác nam đẹp
    Bạn cũng có thể tham khảo một số bài viết sau đây của chúng tôi để tìm hiểu về những sản phẩm và xu hướng mới nhất của thị trường hiện nay nhé: ao thun nam dep nhat hien nay.

    ReplyDelete